Sau thời Obama, Mỹ sẽ "tái cân bằng" ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào?


Sau thời Obama, Mỹ sẽ "tái cân bằng" ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào?

Khi nước Mỹ có tổng thống và quốc hội mới vào năm tới, một câu hỏi được đặt ra là nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ xử lý như thế nào chiến lược "tái cân bằng" sang châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thúc đẩy những năm qua.


Tàu chiến Mỹ tham gia tập trận với Hàn Quốc.
Chuyên gia phân tích về châu Á và các vấn đề an ninh quốc gia và quốc phòng Walter Lohman, người cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Heritage ở thủ đô Washington, nhận định rằng Mỹ đang ở giai đoạn chính trị đặc biệt. Tất cả các vấn đề đang được phơi bày, từ mối quan hệ với các đồng minh, ngân sách quốc phòng hay những thoả thuận tự do thương mại. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Barack Obama dường như đang mờ nhạt trong chiến lược "tái cân bằng", hay còn gọi là "xoay trục" sang châu Á.

Tuy không được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng nhìn vào khía cạnh dài hạn của chiến lược "tái cân bằng" này có thể thấy Mỹ luôn có có cách tiếp cận liên tục, thay vì thay đổi đột ngột, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua.

Dù bất kỳ điều gì có thể xảy ra với chiến lược "tái cân bằng" nhưng vẫn có lý do để tin rằng Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên những giá trị cơ bản để tiến về phía trước. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những cơ quan xây dựng chính sách của Mỹ hoạt động dưới thời tổng thống và quốc hội mới từ năm sau phát huy chiến lược này?.

Các chính quyền Mỹ đã đối diện với các môi trường chiến lược khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ Thế Chiến II. Thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh cũng có những điểm khác so với thời kỳ đầu những năm 1980, cũng như so với kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Từ năm 2001, các lựa chọn về chính sách của Mỹ cho khu vực này được "đóng khung" bởi hai diễn biến chính. Đó là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thời kỳ Obama: Quản lý cán cân quyền lực

Sau vụ khủng bố 11/9, chính sách đối ngoại dựa trên các thị trường đã bị gạt sang để tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố. Với Mỹ, khu vực Đông Nam Á có vai trò đặc biệt khi được coi là "mặt trận thứ 2" trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Qua nhiều thập niên, cách tiếp cận của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giống như cách Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell từng đề cập trong một cuốn sách rằng Washington luôn coi trọng lợi ích địa chính trị của khu vực này. Do đó, Mỹ cần phải ngăn chặn không để châu Á - Thái Bình Dương "rơi vào sự thống trị của một thế lực khác".

Các yếu tố chính trong chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 2000 được xây dựng bằng những cam kết với các đồng minh, thúc đẩy quá trình tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ và các thoả thuận tự do thương mại. Nhìn theo cách này, có thể thấy chiến lược "tái cân bằng" của chính quyền Obama đơn giản là cách sắp xếp lại các yếu tố nhằm phù hợp với thời đại và tình thế của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng đối diện với những thách thức đặc biệt và đã phải tính toán các chính sách một cách phù hợp để giải quyết những thách thức lúc đó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới việc một số nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương "hướng" sang Trung Quốc, đây là bài toán hết sức khó khăn với Tổng thống Obama.

Vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ phải tìm cách thuyết phục các nước trong khu vực về vị thế của nước này, trong khi tiếp tục xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm kêu gọi Trung Quốc hướng tới những cam kết ngoại giao quốc tế xứng với vị thế và mức độ quan trọng của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng phải tìm cách đẩy lùi những ảnh hưởng từ Trung Quốc khi các lợi ích chính của Mỹ bị đe doạ như tự do hàng hải và an ninh của các đồng minh, cũng như duy trì cuộc chơi dựa trên pháp quyền và cố gắng tối đa hoá những gì có lợi cho Mỹ từ cách tiếp cận kinh tế của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giải được những câu hỏi trên chính là cách mà chiến lược "tái cân bằng" hướng tới. Với nhiều năm tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, chi tiêu quốc phòng và quá trình hiện địa hoá quân đội của Trung Quốc đã để lại dấu ấn. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Obama phải tính đến việc tăng cường nguồn lực cho quân đội Mỹ để duy trì sức ép. Ngoài ra, Washington cũng nhận thấy việc phải thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các đồng minh và xây dựng quan hệ đối tác mới. Có thể thấy rõ chiến lược này khi các cam kết ngoại giao, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, đã được Mỹ đẩy mạnh trong những năm qua.

Ở góc độ kinh tế, chính quyền của Tổng thống Obama lựa chọn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như công cụ để duy trì vai trò dẫn dắt của Mỹ trên thị trường tài chính và cuối cùng là tạo ra một khu vực đối trọng với sự thịnh vượng và sức mạnh của Trung Quốc.

Tới nay, thành tích đạt được dưới thời Tổng thống Obama chưa cụ thể. Về mặt ngoại giao, Mỹ đã có giai đoạn áp dụng chính sách suôn sẻ khi tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích về sự tập trung của Washinton cho các nguồn lực quân sự trong chiến lược "tái cân bằng", chủ yếu là do những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng của nước này. Trong khi đó, lĩnh vực kinh tế cũng đang đối diện với nhiều rủi ro và tương lai của TPP đang trở nên không rõ ràng khi cả ứng viên Hilalry Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump - ứng viên của đảng Cộng hoà, đều phản đối hiệp định này.

Dựa trên những lợi ích quốc gia lâu dài và lịch sử, các nguyên tắc cơ bản trong cam kết của Mỹ với khu vực vẫn sẽ tiếp tục theo cách này hoặc cách khác. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với những nhân tố thuộc chiến lược "tái cân bằng". Nếu nhìn vào cách tiếp cận ngoại giao và tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong thời gian qua, họ có thể sẽ phải chọn giữa an ninh và kinh tế trong thời gian tới.

Thời kỳ hậu Obama: Ưu tiên những cam kết hiện nay

Chính quyền mới của Mỹ có thể bắt tay ngay vào việc kể từ tháng 1 năm tới để duy trì những cam kết của chính phủ hiện nay. Điều đó sẽ bao gồm quá trình tiếp tục mở rộng mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Australia, cũng như thể hiện sự kiên nhẫn với các đồng minh khác như Philippines và Thái Lan. Mỹ sẽ tiếp tục dựa vào hợp tác với các đối tác an ninh khác, chủ yếu là những đối tác như Singapore. Và Washington có thể cân nhắc những ràng buộc đặc biệt của nước này trong quá trình bảo vệ Đài Loan. Viễn cảnh đó sẽ bao gồm sự tham dự cấp tổng thống của Mỹ tại các hội nghị cấp cao như APEC và ASEAN hay cấp quan chức thuộc nội các trong những diễn đàn khu vực.

Viễn cảnh ngoại giao thứ hai sẽ bao gồm quá trình dài và nhiều cam go. Nhiều bên liên quan trong các mối quan hệ, những đồng minh và các đối tác, giới lãnh đạo hai viện ở quốc hội, các cá nhân trong Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, các tổ chức tư vấn và những tổ chức phi chính phủ sẽ được "đặt lên bàn cân". Vị trí của Mỹ vẫn sẽ giống như ngày nay nếu có một quá trình như vậy song vai trò của Mỹ sẽ trở nên bất định và gặp nhiều khó khăn.

Quân đội, một phần trong chiến lược "tái cân bằng", lại đang bị gắn số phận với kế hoạch chi tiêu quốc phòng. Dưới thời tổng thống và quốc hội mới, Mỹ có thể có hai cách để giải quyết bế tắc ngân sách ở Washington và làm tất cả những gì cần thiết để duy trì vị thế quân sự hàng đầu trong khu vực.

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ưu tiên mục tiêu duy trì lực lượng Hải quân có 346 loại tàu, gồm 13 nhóm tàu sân bay có thể triển khai tới mọi nơi và 50 tàu đổ bộ, trong khi lực lượng Không quân có 1.200 chiến đấu cơ và đẩy nhanh tốc độ thay thế các máy bay đã cũ kĩ như F-15 và F-16, duy trì lực lượng lục quân thường trực lên tới 490.000 lính và 185.000 lính hải quân lục chiến. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề hiện hữu trong các lực lượng vũ trang hiện nay mà chính quyền Mỹ mới cần phải nhanh chóng giải quyết. Viễn cảnh này cho phép Mỹ đẩy mạnh chiến lược "tái cân bằng" và đáp lại những chỉ trích về việc phân bổ nguồn lực hạn chế cho chiến lược này. Một viễn cảnh khác cho quân đội là sự tiếp tục của việc duy trì ngân sách hiện nay, dù nó mang tới những tác động cho các cấp độ của trạng thái sẵn sàng chiến đấu, năng lực và khả năng chiến đấu.

Mỹ có thể cố gắng giải quyết những thiếu hụt bằng cách hoàn thành các sáng kiến chi phí thấp nhằm "xoay trục" sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục chính sách luân chuyển các tài sản quân sự, ví dụ như triển khai tàu ngầm hoặc tàu chiến mới tới những địa điểm như Guam và Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể bố trí tàu sân bay thứ 2 trong khu vực này.

Bên cạnh đó, Mỹ có thể tìm cách khuyến khích các quốc gia khác đảm nhận vai trò an ninh lớn hơn. Ví dụ như Nhật Bản, quốc gia có thể tăng cường can dự quân sự trong khu vực. Cũng tương tự là Hàn Quốc, nước có tiềm năng giữ vai trò đảm bảo an ninh lớn hơn ngoài bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các đồng minh ở châu Âu của Mỹ vẫn sẽ là những đối tác tự nhiên của Washinton trong quá trình duy trì trật tự dựa trên các quy định. Tuy nhiên, viễn cảnh này cũng có những giới hạn khi người Nhật bị "trói" trong những quy định về lực lượng vũ trang sau Thế Chiến II, trong khi Hàn Quốc lo ngại về các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng và châu Âu ưu tiên những vấn đề trong lục địa này, cũng như khó khăn do thiếu hụt các loại vũ khí có thể triển khai. Ở viễn cảnh này, Mỹ có thể xử lý để tìm ra giải pháp cho mục tiêu ngắn tới dài hạn.

Về mặt kinh tế, số phận của chiến lược "tái cân bằng" sẽ là TPP. Rất khó để đoán trước về hướng phát triển của hiệp định này trong thời gian tới. Chính quyền của Tổng thống Obama vẫn cố gắng thúc đẩy TPP tại quốc hội nhưng phe Cộng hoà với đa số ở hạ viện đã gây không ít khó khăn cho kế hoạch này. Nếu Mỹ vẫn tiếp tục trì hoãn việc ký TPP, sẽ có nguy cơ tổng thống tới của Mỹ bỏ qua hiệp định này và chuyển sang chiến lược khác cho lĩnh vực kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Rất khó đoán định về tương lai của chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ. Nếu Washinton không tiếp tục chiến lược này, vì có thể tổng thống tới của Mỹ không muốn ưu tiên các yêu cầu trên, thì các giá trị cơ bản trong cam kết của Mỹ cho khu vực này vẫn vậy. Châu Á - Thái Bình Dương có những lợi ích quá lớn mà Mỹ không thể từ bỏ.