Ông Justin Sinnott, chuyên gia tư vấn tài chính tại Mỹ cho rằng, cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công tài chính của con.
Cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến cách con tiêu tiền |
Theo Sinnott, một trong những cách tốt nhất để giới thiệu chủ đề tài chính và quản lý tiền bạc với trẻ là đưa vấn đề ấy vào trong các cuộc nói chuyện hàng ngày. Ví dụ, bố mẹ có thể tạo ra một trò chơi là đưa trẻ tới siêu thị và yêu cầu chúng so sánh giá của các thực phẩm. Tại quầy thanh toán, hãy xem ai là người đoán giá gần nhất. Điều này giúp trẻ nhận thức về tiền bạc một cách hữu hình và thực tế hơn.
Hay khi lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, bố mẹ có thể chỉ ra cho trẻ biết ngân sách và quyết định chi tiêu ra sao. Ví dụ, nếu lựa chọn ở trong một khách sạn đắt thì phải chấp nhận sử dụng ít tiền hơn cho việc ăn uống. Ngược lại, nếu chọn một nơi giá cả hợp lý thì sẽ được ăn nhiều hơn. Vậy nên lựa chọn phương án nào?
Sinnott cũng cho rằng, cha mẹ nên để trẻ tham gia một phần vào trong quá trình thanh toán các hóa đơn. Bằng cách này, chúng sẽ để ý xem phải dành bao nhiêu tiền cho chi phí điện, gas, cáp, điện thoại, phí xe ô tô và bảo hiểm.
Một cách khác có thể giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền là sử dụng đến những chiếc lọ có gắn nhãn “tiết kiệm”, “chi tiêu”, “cho đi” và “đầu tư”.
Bắt đầu bằng việc xác định số tiền trợ cấp hàng tuần (giả sử là 2$). Sau đó mỗi tuần một lần, bố mẹ cho con số tiền này. Chúng có thể tùy ý chọn bất kì lọ nào để đặt tiền vào. Tuy nhiên, sẽ có đặc quyền riêng đối với mỗi chiếc hộp.
Ví dụ, nếu trẻ chọn đặt tiền vào lọ “đầu tư”, bố mẹ có thể xem xét bỏ thêm tiền vào nếu thấy phù hợp. Điều này giống như thể một sự hợp tác. Còn nếu trẻ đặt tiền vào lọ “tiết kiệm”, bố mẹ cũng có thể trả mức lãi suất theo mức của các ngân hàng đưa ra dành cho các tài khoản tiết kiệm trong thời gian hiện tại.
Điều quan trọng, việc cho con tự do lựa chọn cách chi tiêu tiền theo cách chúng muốn là một trải nghiệm thực tế tuyệt vời. Tuy nhiên một số ông bố, bà mẹ thường tiếp cận một cách cứng nhắc hơn là bắt con phải chia đều số tiền cho bốn lọ một cách công bằng.
Sinnott cũng đưa ra hướng dẫn thêm về phương pháp 4 chiếc lọ:
Lọ “tiết kiệm”: Cho con bắt đầu tiết kiệm một phần từ khoản trợ cấp, những món quà là tiền từ gia đình hoặc từ việc làm những công việc vặt. Khi chiếc lọ này đầy, chúng có thể gửi một phần vào chiếc lọ “đầu tư”. Phần còn lại có thể được sử dụng để chi tiêu hoặc cho đi.
Lọ “chi tiêu”: Đây là chiếc lọ dạy trẻ về ngân sách. Cha mẹ hoàn toàn không được can thiệp vào số tiền này. Trẻ sẽ được toàn quyền quyết định việc chi tiêu như thế nào cho phù hợp. Ví dụ nếu trẻ chỉ có 5 đô la trong lọ và muốn mua một món đồ chơi có cùng số tiền, bố mẹ có thểgợi ýcon lấy tiền ra và nhìn vào chiếc lọ trống.
Nếu sử dụng số tiền này để mua đồ chơi thì sẽ không còn tiền trong tài khoản chi tiêu của con. Nếu trẻ chọn mua đồ chơi, bố mẹ có thể nhắc nhở trẻ rằng con phải đợi đến khi có khoản trợ cấp tuần tới để đưa thêm tiền vào lọ.
Lọ “cho đi”: Việc cho đi sẽ giúp trẻ cảm thấy vui không kém gì người được nhận. Ngoài việc mang tính chất một hoạt động tình nguyện, con trẻ sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống của những người xung quanh. Bằng cách bố mẹ yêu cầu, sau đó dần dần khuyến khích, trẻ sẽ hình thànhthói quen phân bổ tiền vào lọ “cho đi”. Điều này cũng là cách cha mẹ đang dạy trẻ giá trị của sự từ bi.
Lọ “đầu tư”: Lọ này có thể giúp trẻ hiểu được khái niệm về tiết kiệm dài hạn. Một khi tiền đã đạt đến đỉnh của chiếc lọ, cha mẹ có thể cho con nạp tiền vào tài khoản tiết kiệm của chính mình. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể từ từ giới thiệu cho con các ý tưởng đầu tư thực tế.