Chúng ta là một nước nông nghiệp có lịch sử từ lâu nhưng dường như chưa có một nền nông nghiệp sạch với cách làm nông nghiệp căn cơ...
Ai đã từng đọc cuốn sách: “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả người Nhật Bản, ông Masanobu Fukuoka, đều biết trong suốt cuộc đời làm nông nghiệp, ông Fukuoka không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất. Khi đó rất nhiều người tỏ ra hoài nghi nhưng ông vẫn miệt mài, kiên trì, tận tụy với công việc của mình.
Ông Fukuoka không can thiệp vào tự nhiên, chỉ tuân theo tự nhiên, và cuối cùng nông trại của ông đã có sản lượng vượt trội, so với những người nông dân đầu tắt mặt tối cải tạo đất đai, diệt sâu trừ cỏ, sử dụng chất hóa học kích thích tăng trưởng.
Quay trở về với tự nhiên, sống thuận theo tự nhiên chính là con đường để tìm thấy sự bình yên. Hài hòa với tự nhiên, chính là điều khiến con người trở nên hạnh phúc và phát triển bền vững. Đứng trước trang trại của mình, Masanobu Fukuoka nhẹ nhõm, hòa vào tự nhiên và viết nên một câu chuyện làm nông, nhưng lại mang đậm tính chất triết học đời sống vừa sâu sắc vừa gần gũi.
Ông đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc tìm kiếm một lối sống tự nhiên. Câu chuyện của Fukuoka cho thấy rằng người Nhật, nước Nhật hiện đại, văn minh là thế mà vẫn có những con người, những cách làm nông nghiệp sạch.
Bởi họ có tư duy triết lý rất rõ ràng, họ không bất chấp việc thu vén lợi nhuận để phá hoại thiên nhiên, họ hiểu giá trị của việc làm nông nghiệp sạch, giá trị của việc sống gần gũi với thiên nhiên, biết giữ gìn môi trường trong lành mới cho nguồn thực phẩm sạch, mới khai thác được bền vững những nguồn lợi từ thiên nhiên, và mới có bầu không khí hài hòa, con người cùng chung sống khỏe mạnh với thiên nhiên chứ không tận diệt, tận thu.
Và chỉ có những cách suy nghĩ thiển cận mới tạo ra sự đối kháng với thiên nhiên… Trái với cách làm nông nghiệp trên của người Nhật, không ít những miền quê nông thôn ở Việt Nam đang có xu hướng lạm dụng thuốc diệt cỏ và các loại hóa chất BVTV.
Mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng trên 500 tấn thuốc diệt cỏ. Đa phần thuốc diệt cỏ mà bà con sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và họ cũng không lường trước được tác hại của nó tới sức khỏe con người, động vật, và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước.
Ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, tình trạng cũng không khá hơn, đi khắp các cánh đồng sẽ không hiếm gặp những cảnh, nhà nhà, người người phun thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, la liệt khắp những cánh đồng. Sau vụ thu hoạch lúa chiêm xuân, cảnh đốt rơm rạ ngùn ngụt diễn ra, nắng nóng khói lửa mù trời, môi trường ô nhiễm, người người kêu than.
Tiếp sau vụ đốt rơm rạ, bà con lại khẩn trương, tấp nập chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Khắp các cánh đồng lại đua nhau phun thuốc trừ cỏ cho kịp sạch ruộng để cấy hoặc sạ lúa. Những bờ cỏ xanh mướt chỉ sau một thời gian rất ngắn đã trở nên vàng úa như sau một trận càn quét rải chất độc đi-ô-xin của Mỹ.
Không kể thuốc diệt cỏ, bà con còn phun thuốc diệt ốc bươu vàng cộng thêm thuốc trừ sâu cho lúa, thì hàng năm đất đai, môi trường sống của chúng ta đang phải gánh chịu không biết bao nhiêu chất độc hại từ trong đất và ai dám đảm bảo rằng nguồn nước chúng ta sử dụng hàng ngày có còn sạch?
Tuổi thơ tôi lớn lên từ nông thôn, chứng kiến nhiều đổi thay mà thấy xót lòng. Hiện nay, ban đêm không còn bóng con đom đóm nào nữa, vì loài này chỉ sống ở những nơi có không khí trong lành và không bị ô nhiễm. Cũng hiếm dần con cua rạm trôi, loại cua mình dẹp, vỏ giòn, cho rất nhiều thịt và chất đạm. Những bờ mương bờ ruộng cũng không còn những hang cua lỗ chỗ, bởi đất và nước đang phải oằn mình chứa những chất độc hại trong nó, cua cũng bỏ người mà đi.
Dòng sông cũng bị triệt hạ bởi cách đánh điện rất man rợ, con lớn con bé đều nổi phềnh. Chim trên trời bị những người săn chim bằng những cái bẫy điện dính keo, mỗi lần thả mồi, bật công tắc loa là túm được từng chùm chim cỡ chục con, bỏ lồng đem đến những khu quán nướng, phục vụ thực khách.
Mỗi lần bưng bát cơm lên miệng, tôi không khỏi lo lắng, hoảng sợ về hạt gạo chúng ta đang có được từ những cách làm nông nghiệp bất chấp nguy hại như hiện nay. Nhưng tránh đâu cho khỏi nắng, nếu bạn có tự mình trồng được lúa đi chăng nữa thì cũng không có gì đảm bảo rằng nó hoàn toàn sạch bởi hàng xóm vẫn cứ hồn nhiên phun thuốc tràn lan mà không nghi ngờ gì về những tác hại, những nguy hiểm.
Chừng nào bà con ta chưa có nhận thức đúng về tác hại của các loại thuốc trừ cỏ; chưa nhận thức được ý nghĩa của việc làm nông nghiệp sạch thì chừng ấy chúng ta chưa thể có gạo sạch để ăn, và chừng đó bệnh tật vẫn cứ hoành hành là điều khó tránh.
Chúng ta là một nước nông nghiệp có lịch sử từ lâu nhưng dường như chưa có một nền nông nghiệp sạch với cách làm nông nghiệp căn cơ, thân thiện với môi trường. Nếu vẫn giữ lối sản xuất lúa gạo như cũ, sẽ khó tận dụng được những nguồn lợi từ đất và nước, khó phát triển được nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo đời sống, giữ gìn môi trường và vươn ra thế giới…