Báo chí nhắc nhiều đến Tam Giác Quỷ Bermuda nhưng lại quên Tam Giác Rồng ở Thái Bình Dương, một vùng biển đầy ma mị và chết chóc, tàu bè, máy bay qua lại đều bị hút xuống lòng đại dương mênh mông và sâu thẳm.
Tam Giác Rồng ở đâu?
Theo Tạp chí trực tuyến Allthatsinteresting của Mỹ số ra đầu tháng 6/2018, Tam Giác Rồng (Dragon’s Triangle), Tam Giác Quỷ hay Biển Quỷ là địa danh nói về một vùng biển chết chóc, y trang Tam Giác Quỷ Bermuda ở Đại Tây Dương. Nó hình thành từ 3 góc, tạo nên một tam giác hoàn chỉnh. Tọa lạc giữa bờ biển Nhật Bản (quanh đảo Miyake, cách Tokyo chừng 117km về phía nam), bờ biển phía tây Philippines và bờ biển phía tây đảo Guam thuộc lãnh thổ của Mỹ.
Tam Giác Rồng (TGR) được ra đời dựa trên truyền thuyết có từ cách đây trên một thiên niên kỷ của người Trung Quốc, rằng ở sâu dưới đáy biển có một con rồng khổng lồ, và đói khát, nó có nuốt gọn mọi tàu bè qua lại. Theo lời đồn đại, tất cả mọi phương tiện giao thông nếu đi vào vùng biển này đều mất tích không dấu vết, kể cả tín hiệu cầu cứu. Thậm chí, người ta còn đồn nhìn thấy cả bóng ma của những con tàu xấu số trong vùng biển đầy ma mị nói trên...
Những vụ mất tích bí ẩn ở Tam Giác Rồng
Một trong những quốc gia bị tổn thất nhiều nhất tại TGR là Nhật Bản và Mông Cổ. Nổi bật là vụ Kunlai Khan (Hốt Tất Liệt) xâm lược Nhật Bản cuối thế kỷ 13 khiến đội quân này đã bị mất gần 40.000 binh lính. Theo sử sách còn ghi, cuối thế kỷ 13 Hốt Tất Liệt đã nhiều lần cố gắng đi qua vùng biển này nhưng đều thất bại. Đặc biệt là hai cơn bão diễn ra năm 1281 được cho là đã xuất hiện để bảo vệ nước Nhật trước nguy cơ bị xâm chiếm bởi người Mông Cổ.
Truyền thuyết Nhật Bản còn ghi Kamikaze, hoặc “gió thần” đã xuất hiện theo lệnh Hoàng đế Nhật Bản, đánh chìm hạm đội gồm 900 tàu Mông Cổ chở hơn 40.000 binh sĩ. Cuộc xâm lược của Kublai Khan tập trung vào Kyushu, cực nam của các hòn đảo lớn của Nhật Bản và ở rìa phía tây của Tam Giác Rồng, Đội quânKublai Khan đã bị bế tắc suốt 50 ngày do bão gió, và cuối cùng đã bị người Nhật đánh cho tả tơi. Cơn bão cản trở đội quân của Kublai Khan đến từ vùng biển Philippine. Sự thất bại của Kublai Khan là một huyền thoại đối với người Nhật Bản, bởi giả thiết, Kublai Khan thành công, thì Nhật Bản sẽ khác xa so với hiện tại.
Sau khi đánh bại đội quân Kublai Khan, người Nhật kháo nhau, các trận cuồng phong đã được những vị thần tạo ra để bảo vệ sự an toàn cho đất nước. Ngày nay, các thợ lặn vẫn thu thập những tàn tích từ các chiến thuyền Mông Cổ bị đắm tại TGQ. Tuy nhiên, thi thể của hàng ngàn chiến binh thì không còn dấu vết gì.
Sau chiến thắng này, người Nhật còn đồn đại nhiều sự kiện bí ẩn khác như nhìn thấy một người phụ nữ chèo thuyền trên vùng Tam Giác Rồng, con thuyền giống như một chiếc thuyền truyền thống của Nhật Bản. Ngày 19/4/1957, khi chiếc tàu mang tên Kichisenkan của Nhật Bản đi dọc Tam Giác Rồng và từ Thái Bình Dương trở về, các thủy thủ đã nhìn thấy hai vật thể bay lấp lánh ánh bạc, không có cánh bay, đường kính dài hơn 10m hình như cái đĩa, bằng kim loại, từ trên trời rơi xuống, và rơi ngay xuống nước cách con tàu không xa và ngay lập tức biển bỗng dưng dậy sóng lớn...
Theo thống kê Phân ban an ninh hàng hải Nhật Bản, chỉ trong vòng 9 năm từ 1963 đến 1972, đã có 161 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ bị mất tích ở TGR.
Vào tháng 5/1945, Hạm đội 38 của Hải quân Mỹ bao gồm cả tàu sân bay và các tàu khu trục oanh kích dữ dội đội biệt kích thần phong của Nhật Bản trong ba ngày liền. Khi ngừng để bổ sung nhiên liệu bỗng dưng cả hạm đội phải gồng mình chống chọi với một thảm họa thiên nhiên khốc liệt ngay tại vùng biển này. Hơn 200 chiếc chiến đấu cơ bị quét khỏi mặt boong tàu sân bay cùng 765 thủy thủ chết và mất tích. Đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Hải quân Mỹ phải hứng chịu trong Thế chiến II mà người ta nghi ngờ có “bàn tay” của Tam Giác Rồng.
Năm 1980, Derbyshire, chiếc tàu biển lớn nhất của hàng hải Anh, nặng tới gần 92 nghìn tấn, tức lớn gấp 3 lần tàu Titanic huyền thoại và được xem là niềm tự hào của hàng hải Anh.
Trên tàu chở 42 thuyền viên đã mất tích không để lại dấu vết khi chở 160.000 tấn quặng sắt từ Canada tới Kawasaki, Nhật Bản hồi đầu tháng 9/1980 mà không hề phát tín hiệu cấp cứu. Với những trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất thời bấy giờ, cùng với kinh nghiệm dày dạn của các thuyền viên thì việc tàu tàu Derbyshire mất tích là điều hết sức kỳ lạ.
Qua điều tra, người ta không tìm thấy bằng chứng về sự cố kỹ thuật làm cho Derbyshire bị rò rỉ hay hỏng hóc. Sáu tuần sau khi tàu Derbyshire mất tích, máy bay trinh sát Nhật Bản phát hiện ra vết dầu loang dài 2km, rộng 1km cách nơi tàu chìm khoảng 40km.
Bí ẩn Tam Giác Rồng dưới góc nhìn khoa học
Giống như Tam Giác Quỷ Bermuda, Tam Giác Rồng đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Như trên đã đề cập, năm 1952, Nhật Bản đã gửi một tàu đến Tam giác Rồng để điều tra sự biến mất của các con tàu gần đảo Bonin, còn được gọi là Quần đảo Ogasawara, tạo thành mũi đông nam của TGR.
Theo kế hoạch, tàu Kaiyo-Maru số 5 với thành viên 31 người được cử đến khu vực xung quanh quần đảo Bonin để điều tra, nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ thì tàu đã chìm vào ngày 24 tháng 9 năm 1952, kéo theo số phận của toàn bộ những người đi trên tàu. Lúc đầu, các nhà khoa học không đưa ra lời giải thích nào về việc tàu đột nhiên biến mất.
Theo các chuyên gia cứu hộ, Quần đảo Bonin có cảnh quan cực đẹp, giống như một thiên đường nhiệt đới, nhưng trong lòng nó lại ẩn chứ nhiều bí mật chết người. Để đảm bảo giao thông, khu vực này đã được cách ly. Sau thời gian dài nghiên cứu, hóa ra một ngọn núi lửa dưới nước đã bùng nổ khi tàu Kaiyo-Maru số 5 có mặt. Núi lửa hoạt động làm nước biển sôi lên, tàu bị chìm đột ngột, những người đi trên tàu không có cơ hội để trốn thoát. Đến nay khu vực này vẫn cách ly giao thông và phục vụ cho nghiên cứu. Tuy nhiên, kết luận nói trên vẫn chưa mang tính thuyết phục bởi sau đó vẫn nhiều thảm họa xảy ra.
Tháng 9/1994, đội thám hiểm đại dương do Tiến sĩ David Mone, chuyên gia tìm kiếm cứu hộ trên biển giàu kinh nghiệm của Mỹ đứng đầu đã tiến thẳng vào tâm của TGR để khám phá ra sự thật. Đội thám hiểm dùng máy quét dò âm thanh mặt phẳng, robot lặn dò tìm trong một thời gian khá lâu. Cuối cùng tại một vị trí sâu 4.000m dưới đáy biển người ta đã phát hiện cả nghĩa địa tàu thuyền, gồm sắt thép đã biến dạng kèm theo nhiều quặng sắt phát sáng. Rất có thể đây là nơi quy tụ của nhiều con tàu xấu số bị đắm trong đó có tàu Derbyshire từng chở quặng sắt.
Năm 1995, Larry Kusche tác giả cuốn The Bermuda Triangle Mystery - Solved (Bí ẩn Tam giác Bermuda đã được giải mã) cho biết một số tàu bè cá biến mất tại Tam Giác Rồng và những lời đồn đoán khác chẳng có gì là bí ẩn cả, tàu chìm không phải là chuyện lạ. Larry Kusche còn nhấn mạnh, những gì liên quan đến tàu nghiên cứu Kaio Maru số 5 cũng không phải là ngoại lệ. Tàu bị nạn là do hoạt động núi lửa dưới đáy biển xuất hiện bất ngờ bởi đây là cái rốn hoạt động của núi lửa… Ngoài ra, còn phải kể đến các hoạt động địa chấn khác, sự hiện diện mỏ methane hydrates. Khí methane hydrates được xem là thủ phạm nặng kỳ, nó tồn tại dưới dạng trầm tích băng từ đáy, khi bốc hơi sẽ tạo ra những bọt khí trên bề mặt và bùng nổ kéo theo áp lực và nhiệt độ cực lớn gây nguy hiểm cho tàu bè.
Theo Kusche và cũng là nhận xét chung của các nhà điều tra, núi lửa hoạt động cùng với địa chấn, thời tiết khắc nghiệt... có thể là nguyên nhân tạo ra mối nguy hiểm ở Biển Quỷ. Để thoát khỏi sự chết chóc tại Tam Giác Rồng, việc dùng tàu bè hiện đại, dự báo thời tiết và giám sát các hoạt động địa chấn sẽ làm cho giao thông ở Tam Giác Rồng trở nên an toàn hơn, xóa đi những di nghị thiếu khoa học mà lâu nay nhiều người vẫn đồn đoán.